image banner
Lịch sử hình thành và phát triển

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN XÃ NAM ĐÀ

HUYỆN KRÔNG NÔ - TỈNH ĐĂK NÔNG

Mùa xuân năm 1975, Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, quân và dân ta đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang: giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tuy vậy, công cuộc xây dựng kiến thiết đất nước thời hậu chiến đang đứng trước những thách thức, cam go.  Điều đó, đòi hỏi cần có những quyết sách phù hợp nhằm ổn định chính trị, vực dậy nền kinh tế. Trong đó chính sách di dân, phân bổ nguồn dân cư được khẩn trương thực hiện.

Xã Nam Đà đã ra đời gắn liền với công cuộc di dân xây dựng kinh tế mới theo chủ trương của Đảng giai đoạn 1976 - 1985. Đây là thời kì đất nước vừa trải qua cơn binh lửa, những vết thương chiến tranh cần hàn gắn, công cuộc kiến thiết đất nước vừa được mở ra, nền kinh tế tập trung, bao cấp bộc lộ nhiều bất cập, lương thực không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, trong khi đó ở miền Nam diện tích đất hoang hóa còn nhiều, tiềm năng kinh tế lớn. Nhằm điều động lao động, đẩy nhanh công cuộc khai hoang, mở rộng đất nông nghiệp, Đảng và nhà nước ta đã thực hiện quyết sách di dân với quy mô lớn trên phạm vi cả nước. Trong đó, Tây Nguyên là một trong ba khu vực tập trung luồng di dân chủ yếu (cùng với Đồng Bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ).

Hưởng ứng chủ trương của Đảng, lời hiệu triệu của trái tim, Ngày 22 tháng 12 năm 1976, nhân dân của 18 xã, phường thuộc huyện Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng đã tình nguyện rời quê hương vào Tây Nguyên lập nghiệp.

Sau chuyến di dân đầu tiên, ngày 07/01/1977 nhân dân của 8 phường thuộc Quận II thành phố Đà Nẵng cũng tình nguyện thực hiện hành trình khai hoang, vỡ đất. Điểm kinh tế mới được ra đời từ đó với tên gọi Đắk Mâm, trực thuộc huyện Đăk Mil, Đăk Lak (nay là xã Nam Đà Huyện Krông Nô tỉnh Đắk Nông). Ngày 20/4/1978 xã Nam Đà chính thức được thành lập theo Quyết định số 72- BT, của Bộ trưởng phủ Thủ tướng, nay là chính phủ

1.740 hộ với 7.962 nhân khẩu đã sưởi ấm một vùng đất, gieo sự sống, niềm vui, gieo màu vàng của lúa ngô, cây trái lên mảnh đất đại ngàn – một mảnh đất trù phú nhưng thâm u và cô tịch, giàu giá trị nhưng tất cả đang ở dạng tiềm năng, cần có đôi bàn tay con người khai khẩn.

Sau khi đơn vị hành chính được thành lập, công cuộc khai hoang cơ bản đã định hình, công cuộc xây dựng, kiến thiết trên mặt trận văn hóa, giáo dục lúc này được đặt ra. Những chàng trai cô gái độ tuổi đôi mươi, dạt dào sức xuân, cháy nóng bầu nhiệt huyết ở khắp các vùng miền trên cả nước trong đó chủ yếu là các tỉnh miền Trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng,...  đã tạm biệt gia đình, tạm biệt quê hương vào Tây Nguyên công tác. Với nhiều người vào Tây Nguyên là một sự lựa chọn đầy mạo hiểm, với nhiều người khác đó là hành trình sống hết mình với những đam mê, được khám phá những vùng đất lạ, với một số người đó là duyên số...

Thế rồi đất lành, chim đậu. 45 năm trước, khi rời quê hương đến với Tây Nguyên,  Nam Đà là đất lạ, 45 năm sau, về thăm quê ngoảnh lại, Nam Đà là cố hương. 45 năm đã làm nên sự trưởng thành, lớn lên của một vùng đất nhưng cũng đã lấy đi tuổi xuân của những cuộc đời. Những chàng trai cô gái ngày nào giờ đã thành phụ lão, đã lên ông lên bà, nhiều người đã gửi cả tâm hồn và cuộc đời mình vào đất. Không ai khác, những con người trong cuộc di dân đầu tiên ấy, bằng bàn tay, khối óc đã khai khẩn, mở mang, biến đồi núi điệp trùng thành ruộng vườn cây trái, biến rừng rú hoang vu thành đường đi lối lại, biến đá núi cây rừng thành nhà, thành xóm, lập nên ấp, nên thôn. Ngay lúc này đây, tôi xin có một chút ví von rằng, những người đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này, họ là pho sử và họ cũng là lịch sử, họ là chứng nhân và họ cũng là nhân tố đầu tiên gây dựng, gìn giữ, ghi lại quá trình sinh ra, lớn lên của xã Nam Đà ngay từ buổi ban sơ ấy. Đất chịu ơn người, người mang ơn Đất. Mảnh đất này đã thấm bao mồ hôi của biết bao lớp người đi trước.

Ngày hôm nay, xã Nam Đà của chúng ta không chỉ đổi thịt thay da mà thực sự đã mang một diện mạo mới, một hình ảnh mới, một tầm vóc mới. Những con đường đất đỏ dẫn vào trung tâm xã đã được thay bằng nhựa hóa, bê tông hóa. Hệ thống lưới điện Quốc gia đã phủ đến rộng khắp các khu vực dân cư đảm bảo 99% số hộ được sử dụng điện. Mạng lưới kênh mương, hồ thủy điện phục vụ tưới tiêu, canh tác được chăm lo xây dựng và phân bổ phù hợp dựa trên sự huy động tổng lực sức người sức của trong nhân dân; trụ sở ủy ban được xây dưng kiên cố hóa, 14/14 thôn đã có hội trường thuận lợi cho bà con trong hội họp, sinh hoạt. Hoạt động nuôi trồng phát triển theo hướng tăng về diện tích, sản lượng, nâng cao chất lượng; cơ cấu cây trồng có sự chuyển dịch theo hướng xen canh, bên cạnh các cây công nghiệp chủ lực: cà phê, tiêu, nhiều bà con nông dân đã nhạy bén trong việc ứng dụng khoa học kĩ thuật tạo nên những mô hình trồng cây ăn trái như vải thiều trái mùa, quýt, sầu riêng bước đầu đã tìm kiếm được thị trường, tạo dựng được thương hiệu; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 ước đạt 42 triệu đồng/người/năm. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày được nâng cao: nhà văn hóa xã được xây dựng, các khu vui chơi giải trí ra đời, hoạt động văn hóa phát triển theo hướng đa dạng về nội dung, hình thức vừa mang tính cộng đồng vừa đề cao tính nghệ thuật, các lễ hội truyền thống được duy trì; hoạt động đền ơn đáp nghĩa được chăm lo. Hàng năm cấp ủy, chính quyền xã đều tổ chức gặp mặt, chúc mừng, thăm hỏi các gia đình chính sách và người có công, cán bộ hưu trí. Chất lượng giáo dục có nhiều điểm sáng, cơ sở vật chất được quan tâm xây dựng, hiện nay xã có 4/4 trường được công nhận trường chuẩn quốc gia cấp độ I, thành lập một Trung tâm học tập cộng đồng và Hội khuyến học với hơn 1200 hội viên /14 chi hội; công tác quốc phòng an ninh cơ bản được giữ vững.

Như người mẹ nuôi con tháng ngày thầm lặng, ta không dễ nhận ra sự thay đổi của con mỗi ngày. Nhưng chắc hẳn trong mắt của những người con xa xứ, hay những du khách có dịp đến đây một lần rồi một ngày kia tình cờ ghé lại, Nam Đà bé bổng hôm nào đã phổng phao như chàng trai hai mươi tuổi.

Nhìn lại chặng đường 45 năm thành lập xã, từ một địa bàn heo hút, núi rừng hoang vu, cái đói, cái nghèo luôn rình rập ở mỗi gia đình nay đã vươn mình đổi mới cả về vật chất lẫn tinh thần, đời sống nhân dân nhìn chung đã đạt được ước mong ăn no, mặc ấm, từng bước nâng cao giá trị tinh thần. Đồng bào thực sự được sống trong thanh bình, yên ổn, được bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, được hưởng các thành quả tiến bộ của khoa học kỹ thuật, được học hành. Cùng với đó là sự trưởng thành của bao thế hệ con em sinh ra từ mảnh đất cằn, tuy có những hạn chế nhất định về điều kiện học tập nhưng những ước mơ vẫn miệt mài được viết lên, nhiều người đã thành đạt trên lĩnh vực chuyên môn, trong hoạt động kinh doanh, nhiều người là nông dân sản xuất giỏi ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Diện mạo của xã Nam Đà có được như ngày hôm nay là kết quả từ sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của mọi người dân, sự đoàn kết nhất trí của cộng đồng dân cư trong toàn xã; sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, các ban ngành trong huyện suốt thời gian qua. Bên cạnh đó có sự đóng góp tận tâm, tận lực, tận tụy của những người chịu trách nhiệm được Đảng và nhân dân giao phó gánh vác chèo lái con thuyền xã Nam Đà qua từng giai đoạn lịch sử suốt 45 năm hình thành và phát triển.

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
image banner
ipv6 ready